Nghiên cứu khoa học
Hội thảo Khoa học quốc tế: “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”
Tới tham dự Hội thảo, về phía khách mời có sự hiện diện của PGS,TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển; Bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường; PGS,TS. Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Ngoại thương; PGS,TS. Lê Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Lao động - Xã hội; PGS,TS. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn; PGS,TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS,TS. Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện các đơn vị, cơ quan thông tấn báo chí (Truyền hình Hà Nội, Truyền hình cáp Việt Nam, Dân trí, Đại biểu nhân dân, Tiền phong, Tuổi Trẻ,…); các nhà nghiên cứu đến từ trong và ngoài nước.
Tham dự Hội thảo về phía khách mời quốc tế có sự hiện diện của Ông Hervé Bernard Boismery - Đại học Aix – Marseille, GS danh dự Trường Đại học Thương mại; Ông OH Keun Yeob - Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Quản lý, Đại học Quốc Gia Chung Nam; Ông RIEU Dongmin - Đại học Quốc Gia Chung Nam; Ông MOON Heecheol - Đại học Quốc gia Chung Nam; Ông Yovogan Marcellin Megbe - Đại học Sofia St. Kliment Ohridsk, Bulgaria.
Tham dự Hội thảo về phía Trường Đại học Thương mại, có sự hiện diện của PGS,TS. Bùi Hữu Đức - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS,TS. Nguyễn Hoàng – Hiệu trưởng; PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng; PGS,TS. Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng; GS,TS. Đinh Văn Sơn – Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Thương mại, nguyên Hiệu trưởng; GS,TS. Nguyễn Bách Khoa - Nguyên Hiệu trưởng; các thầy cô là Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Trường.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái.
Phát triển kinh tế xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược quốc gia. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đã hội nhập với thế giới. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam” được tổ chức tại Trường Đại học Thương mại nhằm tạo dựng diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề phát triển kinh tế xanh trên thế giới và tại Việt Nam, kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Đồng thời, hội thảo được tổ chức cũng là hành động cụ thể có trách nhiệm xã hội của các đơn vị đồng tổ chức, đóng góp vào tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được hơn 200 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện của các cơ sở giáo dục, các nhà quản lý trong và ngoài nước. Các báo cáo khoa học tập trung vào hai nhóm chủ đề:
(1) Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam theo tiếp cận vĩ mô với các nghiên cứu về: Lý thuyết về phát triển kinh tế xanh (quan điểm, các mô hình, tiêu chí, tính tất yếu, điều kiện…); Xu hướng, kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh trên thế giới và bài học rút ra cho Việt Nam; Thể chế, chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước và kế hoạch, chương trình các bộ, ngành, địa phương về phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững; Môi trường phát triển kinh tế xanh;
(2) Phát triển kinh tế xanh theo lĩnh vực và tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam với các nghiên cứu về: Các nguồn lực phát triển kinh tế xanh (các thành phần kinh tế; nguồn vốn, nhân lực, khoa học công nghệ,…); Mô hình phát triển nền kinh tế xanh, mô hình kinh doanh có trách nhiệm (tín dụng xanh, kế toán xanh, marketing xanh, logistic và quản trị chuỗi cung ứng xanh, quản trị nhân lực xanh…).
Các phiên của Hội thảo được tổ chức bao gồm phiên toàn thể và 04 phiên chuyên đề (03 phiên tiếng Anh và 01 phiên tiếng Việt) với 21 bài báo cáo của các diễn giả đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Các báo cáo tham luận được lựa chọn bàn về một số nội dung cụ thể, đa dạng như: Một số vấn đề về thực trạng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam; Tác động của phân bổ ngân sách tới phát triển bền vững theo hướng giảm nghèo: nghiên cứu trường hợp các tỉnh thành ở Việt Nam; Một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh ngành nông nghiệp Việt Nam; Khan hiếm nước trong sản xuất lúa và giải pháp ứng phó của các hộ nông dân trồng lúa ở tỉnh An Giang; Vấn đề FDI và "giả thuyết thiên đường ô nhiễm" tại một số quốc gia Châu Á; Thay đổi cơ cấu GDP và giảm cường độ phát thải các-bon: nghiên cứu thực nghiệm ở 10 nước OECD; Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn vận tải container bằng đường thuỷ nội địa tại miền Bắc Việt Nam; Phân tích hiệu quả các chính sách kiểm dịch và kinh tế của các nước OECD với covid-19; Ảnh hưởng của phong cách lãnh đạo chuyển đổi xanh đến quản trị nhân lực xanh - nghiên cứu tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam; Sử dụng bền vững thanh toán không dùng tiền mặt: tác động của chất lượng dịch vụ và cảm nhận giá trị xanh; Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng bao bì xanh của người tiêu dùng; Hoạt động logistics cho doanh nghiệp dệt may khu vực Bình Trị Thiên: phát triển thang đo; Ảnh hưởng của phát triển bền vững đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp; Chiến lược quản lý IP của ETRI, viện nghiên cứu hàng đầu của chính phủ tại Hàn Quốc; Hiệu ứng của đại dịch coronavirus đối với hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp; Các nhân tố ảnh hưởng tới thực hiện kế toán môi trường trong các công ty niêm yết tại Việt Nam; Mối quan hệ giữa tâm linh nơi làm việc và an sinh với quản lý nguồn nhân lực bền vững; Bài toán về giá trị tiền tệ của thời gian lao động: cơ chế cân bằng hay là trùng hợp ngẫu nhiên?; Thời trang nhanh hướng đến bền vững - Những yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua hàng của người tiêu dùng; Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua sắm sản phẩm chức năng nhập khẩu của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Sau gần 4 giờ làm việc tập trung và hiệu quả, 21 báo cáo trong Hội thảo được đánh giá không chỉ có tính học thuật, tổng kết thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp khoa học, hàm ý chính sách đối với việc bảo đảm, phát huy tối đa nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế. Các bài báo cáo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu nhằm giúp các nhà khoa học phát triển những hướng nghiên cứu tiếp theo.
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp tạo ra một diễn đàn trao đổi học thuật, giúp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách quản lý Nhà nước và các nhà khoa học bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần thúc đẩy việc việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.
---------------------------------------------
Một số hình ảnh của Hội thảo: