Hội thảo khoa học
Hội thảo quốc tế tại TP.Cao Bằng 01/2016: "Chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng"
Tới dự Hội thảo, gồm có gần 600 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có 50 đại biểu đến từ Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và một số cơ quan Trung ương; 115 đại biểu đến từ 18 tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc và phía Nam Việt Nam; 150 nhà quản lý, học giả, doanh nghiệp đến từ thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hà Nam, Vũ Hán, Hồ Nam (Trung Quốc); 100 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu và 145 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam; Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam; chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JAICA) tại Việt Nam; đại biểu đến từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc; đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và hơn 20 phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Hội thảo.
Kỷ yếu Hội thảo gồm 72 tham luận có chất lượng được Hội đồng Khoa học thẩm định độc lập, trong đó một số tham luận chính được lựa chọn trình bày trong hai phiên của Hội thảo là phiên toàn thể và phiên chuyên đề, tập trung vào 04 chủ đề lớn sau: (1) Tổng quan về thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; (2) Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay; (3) Thực trạng hoạt động xuất khẩu và mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, đặc sản xuất khẩu các tỉnh khu vực Tây Bắc; và (4) Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng.
Bên cạnh chương trình chính, Hội thảo còn tổ chức các sự kiện bên lề: (1) Hội đàm giữa Cao Bằng – Bách Sắc về rà soát, đánh giá và đề ra biện pháp tiếp tục cụ thể hóa các nội dung hợp tác đã ký kết; (2) Tổ chức gian trưng bày, giới thiệu các thông tin về tiềm năng nông sản xuất khẩu của một số doanh nghiệp và tỉnh, thành phố trong cả nước; (3) Tổ chức các cuộc chào xã giao, gặp gỡ giữa tỉnh Cao Bằng, Trường Đại học Thương mại với đoàn đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế; và (4) Tổ chức Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng để tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư vào tỉnh Cao Bằng.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, NGUT. GS. TS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo nhận định “Những tồn tại, hạn chế của xuất khẩu nông sản theo hình thức tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu của những bất cập đó là: hành lang pháp lý trong quan hệ thương mại Việt - Trung chưa hoàn thiện; thiếu các chính sách đặc trưng cho từng vùng để hình thành kinh tế vùng; thiếu các chính sách thúc đẩy liên kết vùng giữa chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp; chính sách quản lý, kiểm định chất lượng đầu ra của sản phẩm nông nghiệp còn thiếu và yếu ở nhiều khâu, nhiều mặt; thiếu các chính sách để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản xuất khẩu; thiếu các kênh thông tin thường xuyên về thị trường Trung Quốc”
Trong bối cảnh đó, với tinh thần thảo luận trên nguyên tắc: thẳng thắn, hợp tác, xây dựng và chia sẻ, Hội thảo Quốc tế tập trung đánh giá thực trạng, tình hình và đưa ra những luận cứ khoa học, những kiến nghị mới, có giá trị thực tiễn cao để kiến nghị tới các bên liên quan, với mục tiêu đưa quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc nói chung, hợp tác về thương mại nông sản xuất khẩu Cao Bằng – Bách Sắc nói riêng lên một tầm cao mới, thực chất hơn, bền vững hơn, tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai chính quyền và nhân dân hai nước.
Hội thảo đã thành công rực rỡ, qua hội thảo này hy vọng sẽ đặt nền móng cho hướng phát triển thương mại không chỉ đối với riêng tỉnh Cao Bằng mà còn với nhiều địa phương hai bên biên giới Việt- Trung. Hội thảo là kết quả của một hướng đi đúng đắn, gắn hoạt động nghiên cứu với các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế, của các địa phương, nâng tầm của Trường Đại học Thương mại trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.