Quay trở lại danh sách
Thông báo

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Đinh Thị Phương Anh

06/02/2021

Chiều ngày 04/02/2021, Phòng Hội thảo số 1, tầng 6, Nhà F, Trường Đại học Thương mại đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Đinh Thị Phương Anh, chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng (mã số 9340201), đề tài luận án “Hoạt động đầu tư trái phiếu của ngân hàng thương mại Việt Nam” với sự hướng dẫn khoa học của PGS,TS. Nguyễn Đức Trung và GS,TS. Herve Boismery.

Dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại – Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Đinh Thị Phương Anh trong suốt quá trình thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và nh ững nỗ lực của nghiên cứu sinh trong thời gian qua. Trong 30 phút trình bày tóm tắt luận án, NCS. Đinh Thị Phương Anh đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học những kết quả nghiên cứu của mình. Theo nhận xét của PGS,TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phản biện 1; PGS,TS. Lê Thanh Tâm – Phản biện 2; TS. Phí Trọng Hiển – Phản biện 3 và các thầy, cô trong Hội đồng thì luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, phong phú, mang giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn như:

– Về học thuật, lý luận: Bổ sung, làm rõ khung lý thuyết về đầu tư trái phiếu của NHTM, bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá (gồm các chỉ tiêu định lượng, định tính) và các yếu tố tác động đến hoạt động đầu tư trái phiếu của NHTM. Xác lập mô hình nghiên cứu tác động của hoạt động đầu tư trái phiếu đến kết quả kinh doanh của NHTM dựa trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý thuyết trong xây dựng mô hình và quyết định lựa chọn các yếu tố, phát triển bổ sung thêm một số yếu tố nội tại của ngân hàng liên quan đến hoạt động đầu tư.

Về đánh giá thực tiễn: Làm rõ thực trạng hoạt động đầu tư trái phiếu của NHTM Việt Nam theo xác nội dung: ban hành văn bản nội bộ, tổ chức bộ máy kinh doanh và kết quả đầu tư theo các tiêu chí đánh giá đã được xác lập ở chương lý luận; kiểm định mô hình nghiên cứu và rút ra kết luận về tác động của hoạt động đầu tư trái phiếu đến kết quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam. Trên cơ sở đó luận án rút ra các kết luận về những hạn chế bất cập trong đầu tư trái phiếu của NHTM giai đoạn 2015-2019, đó là: (i) Một số NHTM có quy mô đầu tư ở mức rất cao vượt quá ngưỡng bình quân của toàn hệ thống cũng như mức trung bình phổ biến của các ngân hàng trên thế giới (từ 1/5-1/3 tổng giá trị tài sản); (ii) Chiến lược đầu tư của một số ngân hàng hiện đang đi ngược với chiến lược đầu tư phổ biến của các ngân hàng trên thế giới (các NHTM có quy mô lớn, năng lực quản trị tốt đầu tư trái phiếu chính phủ với tỉ lệ cao hơn các loại trái phiếu khác; trong khi đó, nhiều ngân hàng nhỏ và vừa lại tăng tỉ lệ đầu tư vào TPDN, trái phiếu của các TCTD khác với kì hạn dài hơn); (iii) Hoạt động đầu tư TPDN ở các NHTM tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; và (iv) Thực trạng NHTM đầu tư trái phiếu của các TCTD khác tất yếu dẫn đến có một lượng vốn lớn chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng, làm chậm tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế và tác động ngược đến vai trò là trung gian tài chính “cung ứng vốn cho nền kinh tế” của các NHTM.

Các nguyên nhân chính của những bất cấp trong hoạt động đầu tư hiện nay ở các NHTM Việt Nam là: (i) Các văn bản nội bộ quy định về đầu tư trái phiếu của NHTM còn khá đơn giản, không có quy định chi tiết về giới hạn đầu tư đối với từng loại trái phiếu, nhất là quy định về các giới hạn mua trái phiếu của doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm, hoặc đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ; (ii) Chiến lược, quy trình thực hiện, phương pháp quản trị rủi ro trong đầu tư trái phiếu ở một số NHTM vẫn còn đơn giản, chưa áp dụng các công cụ như Duration, Convexity, VaR…, không áp dụng các phân tích tình huống và phân tích thử nghiệm căng thẳng (stress test); (iii) NHNN chưa ban hành quy định về giới hạn đầu tư trái phiếu của NHTM vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm, cũng như quy định về tỉ lệ đầu tư trái phiếu/ tổng tài sản….

Về định hướng đầu tư và các giải pháp, khuyến nghị: Định hướng đầu tư trái phiếu với mỗi NHTM sẽ khác nhau về quy mô và cơ cấu. Điều này xuất phát từ nhận thức, chiến lược kinh doanh, năng lực quản trị điều hành, quy mô tài sản, khả năng chịu đựng rủi ro… của mỗi ngân hàng. Căn cứ vào các nguyên nhân của những bất cập vướng mắc hiện tại, dự báo những thuận lợi khó khăn, luận án đề xuất 4 nhóm giải pháp với NHTM, các khuyến nghị với NHNN, với Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư và an toàn cho hệ thống các NHTM Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Một số giải pháp và khuyến nghị cần tập trung giải quyết, đó là: (i) Hoàn thiện các văn bản nội bộ về đầu tư trái phiếu; (ii) Tăng cường đầu tư trang thiết bị và tuân thủ nghiêm ngặt quy định nội bộ về quản trị rủi ro trong đầu tư trái phiếu; (iii) Phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động. Nhìn chung các giải pháp và khuyến nghị được lập luận khá chặt chẽ, có cơ sở khoa học và thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan chúc mừng NCS. Đinh Thị Phương Anh

Sau khi nghe nghiên cứu sinh trình bày tóm tắt luận án và trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng và các khách mời tham dự, Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu. Với kết quả bỏ phiếu 7/7 phiếu tán thành, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan thay mặt Hội đồng chúc mừng nghiên cứu sinh Đinh Thị Phương Anh bảo vệ thành công luận án và chúc mừng tập thể giáo viên hướng dẫn cùng Trường Đại học Thương mại, Viện Hợp tác Quốc tế đã có thêm một cán bộ có trình độ tiến sĩ.

NCS Đinh Thị Phương Anh cùng các thành viên Hội đồng và giáo viên hướng dẫn

Trong niềm vui và xúc động, NCS Đinh Thị Phương Anh đã tri ân sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của tập thể giáo viên hướng dẫn, Lãnh đạo Trường Đại học Thương mại, Viện Hợp tác Quốc tế, Phòng Quản lý Sau Đại học, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để nghiên cứu sinh có thể bảo vệ thành công luận án và đạt được học vị tiến sĩ như ngày hôm nay./.