Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Đỗ Phương Thảo
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
3. Mã số: 62.34.04.10
4. Họ tên NCS: Đỗ Phương Thảo
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: GS,TS. Đinh Văn Sơn
Hướng dẫn 2: TS. Tống Quốc Trường
6. Những đóng góp mới của luận án:
Luận án đã làm rõ các vấn đề lý luận về vốn và sử dụng vốn nhà nước, xác lập mô hình kiểm soát và các tiêu chí đánh giá kiểm soát sử dụng vốn nhà nước trong nội bộ các TĐKTNN. Từ đó, áp dụng các quan điểm lý thuyết vào nghiên cứu thực trạng kiểm soát sử dụng vốn nhà nước tại TKV.
Từ nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát sử dụng vốn nhà nước trong TĐKT tại các quốc gia Pháp, Hàn Quốc và Trung Quốc, luận án đã tìm ra được những điểm chung, điểm khác biệt và những hạn chế trong quá trình kiểm soát sử dụng vốn nhà nước tại tập đoàn của các nước trên. Trên cơ sở đó, luận án rút ra bốn bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong hoàn thiện kiểm soát sử dụng vốn nhà nước tại các TĐKTNN.
– Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Luận án vận dụng mô hình Cobb – Douglas trong nghiên cứu định lượng, phương pháp phỏng vấn chuyên gia và kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác trong đánh giá thực trạng kiểm soát sử dụng vốn tại TKV giai đoạn 2011 – 2016 và đã chỉ ra: (i) Công ty mẹ tại TKV đã xây dựng mô hình kiểm soát sử dụng vốn tại công ty con, tuy nhiên, thực tế áp dụng hoạt động kiểm soát còn chưa chuyên nghiệp và lỏng lẻo; (ii) Mô hình kiểm soát vốn nhà nước tại TKV chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn kiểm soát; (iii) Các tiêu chí kiểm soát còn sơ sài và chưa đánh giá được toàn diện kết quả của hoạt động kiểm soát; (iv) Công tác khắc phục và ngăn chặn sai phạm sau kiểm soát sử dụng vốn nhà nước tại công ty con chưa được công ty mẹ chú trọng.
Kết quả nghiên cứu định lượng và định tính trong luận án cho thấy: (i) Có mối quan hệ tương tác giữa hoạt động kiểm soát vốn nhà nước tới giá trị gia tăng tại các công ty con thuộc TKV; (ii) Chưa thấy rõ vai trò của tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty con của TKV có tác động tới giá trị gia tăng của công ty; (iii) Hiện nay, kiểm soát vốn nhà nước tại TKV có tác động không tốt tới giá trị gia tăng của công ty; (iv) Nghiên cứu so sánh chỉ ra kết quả hoạt động kinh doanh tại các công ty con của TKV không hiệu quả bằng các doanh nghiệp than – khoáng sản khác không thuộc TKV.
Từ định hướng và quan điểm hoàn thiện kiểm soát sử dụng vốn nhà nước tại TKV đến năm 2020, tầm nhìn 2030, luận án đã đề xuất ba nhóm giải pháp cụ thể về kiểm soát sử dụng vốn nhà nước tại TKV, bao gồm: (1) Giải pháp về mô hình tổ chức hoạt động kiểm soát; (2) Giải pháp về nội dung, quy trình và phương thức kiểm soát vốn nhà nước tại TKV; (3) Nhóm các giải pháp hỗ trợ khác.
Đồng thời, để các giải pháp có tính thực tiễn và hiệu quả, luận án đưa ra kiến nghị với Nhà nước về việc đẩy nhanh tiến độ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp và các kiến nghị về hoàn thiện khung chính sách liên quan đến kiểm soát sử dụng vốn nhà nước tại TĐKTNN.