Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Hà Xuân Bình
- Tên đề tài Luận án tiến sĩ: “Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình”
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
3. Họ tên NCS: Hà Xuân Bình
Mã NCS: 16BD0410002
4. Mã số: 931.01.10
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS.TS Hà Văn Sự
Hướng dẫn 2: TS. Lê Thị Việt Nga
6. Những đóng góp mới của luận án
6.1. Về học thuật, lý luận
Luận án đã làm rõ nội hàm của một số khái niệm cơ bản: Cơ cấu kinh tế, kinh tế nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững. Luận án đã hệ thống hóa, bổ sung, hoàn thiện một số vấn đề lý luận về chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của một địa phương cấp tỉnh, bao gồm xây dựng những nguyên tắc, nội dung và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của một địa phương cấp tỉnh.
Ngoài ra, luận án đã nghiên cứu kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, nội dung chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của một số địa phương trong và ngoài ngoài nước (như Tỉnh Chachoengsao – Thái Lan; Thành phố Holon – Israel; Hà Nam và Vĩnh Phúc – Việt Nam) nhằm rút ra một số bài học cho tỉnh Thái Bình cũng như làm cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu những nội dung tiếp theo của luận án.
6.2. Về thực tiễn
Trên cơ sở khung nghiên cứu, vận dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp, thông qua nguồn dữ liệu thứ cấp và sơ cấp (điều tra xã hội học và phỏng vấn chuyên sâu), luận án đã phân tích và làm rõ thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thực trạng chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2010-2020. Thông qua những tiêu chí đánh giá chính sách, luận án đã đưa ra đánh giá về những thành công và hạn chế của chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình. Luận án cũng chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của từng nhóm chính sách. Đặc biệt luận án đã làm rõ hạn chế của từng nhóm chính sách đó là:
(1) Đối với nhóm chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình về mặt kinh tế: (i) Chưa đủ hiệu lực để chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp như mục tiêu đề ra: mục tiêu đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Thái Bình, đến năm 2020 tỷ trọng nông, lâm, thủy sản là: ngành nông nghiệp 71,9%, lâm nghiệp 0,1% và thủy sản 30%, tuy nhiên đến năm 2020 tỷ trọng của ngành thủy sản và lâm nghiệp chưa đạt được mục tiêu đề ra. (ii) Mục tiêu chuyển dịch sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn chưa đạt kế hoạch: Mục tiêu theo đề án tái cơ cấu của tỉnh Thái Bình thì diện tích đất canh tác được tích tụ với quy mô từ 02 ha trở lên đạt trên 50%, đến cuối năm 2020 tỉnh tích tụ được 26,1% (22.169,28 ha/84.999 ha). (iii) Đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đúng nhưng chưa đủ: đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là doanh nghiệp, các HTX, trong khi đó người sản xuất nông nghiệp thực tế chủ yếu là quy mô nông hộ, gia trại hoặc trang trại.
(2) Đối với nhóm chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình về mặt xã hội: (i) Hiệu lực của chính sách chưa đủ mạnh để tạo nên đột phá về thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động khu vực nông thôn, chênh lệch về thu nhập giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn còn ở mức cao. (ii) Một số chính sách hỗ trợ chưa sát với nhu cầu thực tế và hiệu quả thực thi chính sách chưa cao. (iii) Một số chính sách hỗ trợ còn chưa phù hợp với thực tiễn.
(3) Đối với nhóm chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình về mặt môi trường: (i) Tính khả thi của chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn yếu; (ii) Chính sách khoa học công nghệ áp dụng cho sản xuất nông nghiệp hiện hành hỗ trợ còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; (iii) Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, do tỉnh chưa ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.
Luận án đã phát hiện nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên bao gồm những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Từ đó, luận án đã nêu ra các vấn đề đặt ra cần giải quyết đối với chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
6.3. Về giải pháp
Trên cơ sở những luận cứ khoa học đã được nghiên cứu ở Chương 2 và Chương 3 của luận án, cùng với những dự báo về tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình, các quan điểm, mục tiêu và định hướng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh trong thời gian tới, luận án đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể:
(1) Các giải pháp đề xuất được chia theo ba nhóm chính sách:
Đối với nhóm chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình về mặt kinh tế, các giải pháp được đề xuất bao gồm: (i) Xây dựng, ban hành chính sách quy hoạch nông nghiệp tỉnh Thái Bình. (ii) Tiếp tục xây dựng, ban hành chính sách tích tụ ruộng đất làm cơ sở hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. (iii) Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. (iv) Hoàn thiện chính sách tín dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn chính sách bảo hiểm nông nghiệp. (v) Xây dựng chính sách phát triển thị trường, hỗ trợ khâu lưu thông cho sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. (vi) Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Đối với nhóm chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình về mặt xã hội, các giải pháp được đề xuất bao gồm: (i) Hoàn thiện chính sách việc làm cho người lao động khu vực nông thôn. (i) Rà soát sửa đổi một số chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. (iii) Hoàn thiện chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Đối với nhóm chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Thái Bình về mặt môi trường, các giải pháp được đề xuất bao gồm: (i) Xây dựng và thực hiện có có hiệu quả chính sách quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. (i) Hoàn thiện chính sách khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp. (iii) Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ của địa phương.
(2) Bên cạnh những giải pháp đã đề xuất ở trên, luận án cũng mạnh dạn đưa ra những kiến nghị được xem như những giải pháp điều kiện để thực hiện có hiệu quả các giải pháp này, cụ thể:
Đối với cơ quan cấp Trung ương: (i) Sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trong đó tập trung đồng bộ, giải quyết mâu thuẫn giữa các Luật: Đất Đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý tài sản công…; (ii) Hoàn thiện chính sách tích tụ ruộng đất; (iii) Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; (iv) Hoàn thiện chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn; (v) Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến việc làm như Luật việc làm số 38/2013/QH13; (vi) Xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2025”; đề án “Phát triển thương mại nông thôn” trong đó tiếp tục có dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn; (vii) Tiếp tục duy trì và huy động tăng cường nguồn vốn cho quỹ hỗ trợ nông dân; (vii) Rà soát và hoàn thiện Luật bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; (viii) Tiếp tục xây dựng, ban hành và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 trong đó có các chính sách nhằm bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách, luận án còn có những kiến nghị đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và các hộ nông dân.