Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Mai Tiến Tú

21/02/2022
  1. Tên đề tài luận án: Quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam
  2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
  3. Mã số: 931.01.10
  4. Họ tên NCS: Mai Tiến Tú

Mã NCS: 15BD041003

  1. Họ tên người hướng dẫn NCS:

Hướng dẫn 1: PGS.TS. Hà Văn Sự

Hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Hóa

  1. Những đóng góp mới của luận án:

6.1. Về học thuật, lý luận

Luận án đã hệ thống, luận giải và bổ sung lý luận liên quan đến quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm. Luận án đã làm rõ đặc thù của HĐKD chất phụ gia thực phẩm trong đó nhấn mạnh vấn đề ATTP cũng như những ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng nếu sử dụng chất phụ gia không theo quy định. Xác định rõ các khái niệm, nội dung, tiêu chí đánh giá và nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm làm căn cứ để phân tích, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam.

Luận án đã nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia, tổ chức trong thực hiện quản lý liên quan đến kinh doanh chất phụ gia thực phẩm như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc nhằm rút ra những bài học trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam.

6.2. Về thực tiễn

Trên cơ sở khung nghiên cứu, vận dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với các dữ liệu thứ cấp, sơ cấp (điều tra xã hội học và phỏng vấn chuyên sâu), luận án đã phân tích thực trạng HĐKD chất phụ gia thực phẩm, thực trạng quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam, qua đó đánh giá những thành công, hạn chế của quản lý nhà nước đối với hoạt động này tại Việt Nam:

Những thành công: (1) Bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam được đánh giá là khoa học và đảm bảo sự quản lý theo cả chiều dọc và theo chiều ngang; (2) Quản lý điều kiện kinh doanh chất phụ gia thực phẩm đảm bảo tính hiệu quả, hợp lý và phù hợp với thực tiễn, thể hiện rõ qua các quy định cụ thể và chi tiết về điều kiện kinh doanh chất phụ gia thực phẩm theo quy định của Nhà nước; (3) Các cơ quan quản lý nhà nước đã rà soát các chất phụ gia đang được kinh doanh trên thị trường theo danh mục chất phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam, cũng như các chất phụ gia không được phép sử dụng nhưng không cấm kinh doanh; (3) Về quản lý hoạt động phát triển thương mại chất phụ gia thực phẩm. Các hoạt động thương mại đối với chất phụ gia thực phẩm đã được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm với hệ thống văn bản đã dẫn được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh dễ dàng hơn trong các hoạt động quảng bá thương hiệu, hình ảnh, xây dựng hệ thống kênh phân phối và cạnh trạnh trong kinh doanh các chất phụ gia; (4) Về công cụ và phương pháp quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm. Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, hệ thống các văn bản luật điều tiết về hoạt động kinh doanh chất phụ gia thực phẩm đã dần được hoàn thiện.

Những hạn chế: Kết quả nghiên cứu thực tiễn đã xác định được những bất cập, hạn chế mà trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị, cá nhân liên quan tiếp tục cần hoàn thiện, cụ thể: (1) Hệ thống văn bản quản lý còn hạn chế khi chưa có đủ các văn bản quản lý trực tiếp đối với HĐKD chất phụ gia thực phẩm, sự rải rác thiết tập trung trong hệ thống văn bản quản lý làm giảm hiệu quả trong triển khai các nội dung quả lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; (2) Sự phối hợp trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm còn thiếu linh hoạt do tính liên ngành và đặc thù của HĐKD chất phụ gia thực phẩm; (3) Các nội dung quản lý nhà nước đối kinh doanh chất phụ gia thực phẩm như điều kiện kinh doanh còn hạn chế khi thiếu sự tương thích với sự phát triển nhanh trong trong hội nhập kinh tế; việc kiểm soát chất lượng đối với chất phụ gia thực phẩm đang kinh doanh chưa sát sao, các điều kiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh còn chưa minh bạch; còn thiếu các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả và quy mô…

Bên cạnh đó, luận án cũng đã phát hiện các nguyên nhân của những hạn chế trên bao gồm: (1) Nhận thức của chủ thể quản lý, chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng về chất phụ gia thực phẩm còn chưa cao; (2) Hệ thống thể chế chính sách quản lý chất phụ gia thực phẩm còn chưa hoàn thiện; (3) Năng lực của bộ máy quản lý còn một số hạn chế; (4) Các chủ thể kinh doanh chất phụ gia thực phẩm rất đa dạng bao gồm các doanh nghiệp đa phần là có tư cách pháp nhân, các doanh nghiệp tư nhân và các hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Bên cạnh đó, ý thức của các chủ thể kinh doanh phụ gia thực phẩm hiện nay còn chưa cao; (5) Sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ, hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ như các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội…

6.3. Về giải pháp

Trên cơ sở những vấn đề lý luận đã được làm rõ, các hạn chế và nguyên nhân của thực trạng đã được xác định, cùng với những dự báo về HĐKD chất phụ gia thực phẩm trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các quan điểm, định hướng và mục tiêu trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam đến năm 2025 và những năm tiếp theo, luận án đã đề xuất 04 nhóm giải pháp gắn với những nguyên nhân chủ yếu, bài học từ các quốc gia, tổ chức trên thế giới trong quản lý nhà nước đối với hoạt động này:

Đối với giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm: cần làm rõ hơn các quy định tại Điều 11, của Thông tư 24/2019/TT-BYT về công bố sản phẩm đối với chất phụ gia thực phẩm; quy định cụ thể về danh mục chất phụ gia được kinh doanh, danh mục chất phụ gia bị cấm; bổ sung quy định về quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Thông tư 24/2019/TT-BYT; thống nhất quy định trong các văn bản quản lý về hoạt động ghi nhãn, quảng cáo đối với chất phụ gia thực phẩm; bổ sung hướng dẫn quy định về xử lý vi phạm của chủ thể kinh doanh chất phụ gia thực phẩm.

Đối với giải pháp hoàn thiện và tăng cường tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm các cấp

Nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm: (1) Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước; (2) Tăng cường sự phối hợp trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; (3) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; (4) Tăng cường đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm

Tăng cường hoàn thiện các nội dung quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm: (1) Hoàn thiện quản lý điều kiện kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; (2) Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với mặt hàng chất phụ gia thực phẩm; (3) Hoàn thiện quản lý nhà nước về thương mại các chất phụ gia thực phẩm.

Đối với giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm: (1) Cần hoàn thiện các văn bản quy định về phân công, phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; (2) Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo giai đoạn, năm, quý nhằm đảm bảo hoạt động này được toàn diện và liên tục; (3) Huy động được các nguồn lực trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; (4) Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh chất phụ gia thực phẩm.

Đối với giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm: (1) Thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; (2) Các cơ quan quản lý cần chỉ đạo sát sao việc nghiên cứu, nắm vững các quy định của Nhà nước về quản lý kinh doanh chất phụ gia thực phẩm của các cán bộ, công chức, viên chức; (3) Tăng cường ý thức triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; (4) Hoàn thiện bộ máy chịu trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết của chủ thể quản lý, chủ thể kinh doanh, người tiêu dùng về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh chất phụ gia thực phẩm.

Các giải pháp được đề xuất đều gắn với các nội dung quản lý liên quan đến điều kiện kinh doanh, sản phẩm chất phụ gia thực phẩm và hoạt động thương mại đối với chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam. Các giải pháp đều có mối quan hệ mật thiết với nhau và các cơ quan quản lý cần thực hiện đồng bộ nhằm tăng cường tính phù hợp, tính công bằng, tính hiệu lực, tính hiệu quả và tính bền vững trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam đến giai đoạn 2025 và những năm tiếp theo.

Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo để các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh, về chất phụ gia thực phẩm (Bộ Công Thương, Bộ Y tế, UBND các cấp…) hoàn thiện việc tổ chức triển khai quản lý nhà nước đối với kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại Việt Nam.

1. Toàn văn luận án – NCS Mai Tiến Tú