Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Hương Giang
1. Tên đề tài luận án: Quản trị dòng tiền của các doanh nghiệp dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam
2. Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
3. Mã số: 9.34.02.01
4. Họ tên NCS: Nguyễn Hương Giang Mã NCS: 16AD0201002
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Người hướng dẫn 1: TS. Vũ Xuân Dũng
Người hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh
6. Những đóng góp mới của luận án:
- Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Luận án đã hệ thống hoá và làm rõ thêm cơ sở lý luận về dòng tiền của DN, làm rõ khái niệm và các đặc điểm dòng tiền của DN, dòng tiền trong từng hoạt động của DN và mối quan hệ giữa dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Đây là cơ sở quan trọng của việc phối hợp các dòng tiền trong quản trị dòng tiền của DN, góp phần đạt được mục tiêu đề ra.
Qua tổng quan lý thuyết, luận án đã đưa ra được khái niệm quản trị dòng tiền theo cách tiếp cận riêng của mình, luận giải rõ mục tiêu và nội dung quản trị dòng tiền của DN.
- Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Luận án đã thực hiện phân tích dòng tiền của 32 DN thành viên thuộc Vinatex theo hai nhóm DN lớn và DN nhỏ và vừa; khảo sát thực trạng quản trị dòng tiền của các DN thuộc Vinatex theo nội dung đã xác lập ở chương 2, đồng thời thông qua mô hình IPA với kỹ thuật phân tích ma trận để đánh giá mức độ quan trọng và mức độ thực hiện của từng yếu tố thuộc nội dung quản trị dòng tiền của DN, qua đó đã chỉ ra các yếu tố cần tập trung cải thiện, tiếp tục duy trì, chú ý thấp hay giảm sự đầu tư. Kết hợp với kỹ thuật hồi quy phân vị, luận án đã phân tích các yếu tố tác động đến kết quả quản trị dòng tiền của các DN dệt may thuộc Vinatex. Luận án đã rút ra được những kết luận cần thiết về những kết quả đạt được, những điểm còn hạn chế và nguyên nhân để làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp.
- Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
Trên cơ sở nhận diện xu hướng phát triển ngành Dệt may trên thế giới và ở Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu và định hướng phát triển của Vinatex, luận án đề xuất bốn quan điểm cần quán triệt trong quản trị dòng tiền của Tập đoàn. Từ đó, luận án đề xuất bốn nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện quản trị dòng tiền của các DN dệt may thuộc Vinatex trong tương lai: (i) Hoàn thiện công tác lập kế hoạch dòng tiền theo hướng nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch dòng tiền, áp dụng mô hình xác định mức tiền tồn quỹ phù hợp; (ii) Hoàn thiện tổ chức thực hiện kế hoạch dòng tiền, cụ thể là thường xuyên theo dõi khoản phải thu và ra quyết định cấp tín dụng phù hợp, cải thiện khả năng thanh toán, cải tiến quy trình và phương pháp quản trị hàng tồn kho, điều chỉnh dòng tiền hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính; (iii) Hoàn thiện kiểm tra, đánh giá dòng tiền, trong đó tập trung vào việc kết hợp kiểm tra, đánh giá dòng tiền theo định kỳ và đột xuất, bổ sung thêm một số tiêu chí đánh giá định tính và định lượng, tăng cường hiệu chỉnh các quyết định quản trị dòng tiền theo chu kỳ ngắn, cụ thể là theo tuần và tháng; (iv) Một số giải pháp bổ trợ khác.