Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Trần Thu Phương

26/01/2022
  1. Tên đề tài luận án: Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam
  2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế                             
  3. Mã số: 9310110
  4. Họ tên NCS: Trần Thu Phương            
  5. Họ tên người hướng dẫn NCS:

Hướng dẫn 1: PGS.TS Bùi Xuân Nhàn

                        Hướng dẫn 2: PGS.TS Hoàng Văn Thành

  1. Những đóng góp mới của luận án:

– Những đóng góp mới về học thuật, lý luận:

Luận án đã góp phần hệ thống hóa và làm rõ thêm một số vấn đề lý luận về quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương cấp tỉnh, bao gồm các vấn đề về đối tượng, mục tiêu, yếu tố ảnh hưởng, vai trò, nội dung cũng như mối quan hệ giữa các chủ thể của quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương cấp tỉnh theo cách tiếp cận các chức năng quản lý nhà nước và đặc điểm của du lịch cộng đồng.

Luận án làm rõ nội dung cơ bản của quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng bao gồm: tổ chức thực hiện chiến lược/quy hoạch phát triển du lịch của quốc gia; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của địa phương; triển khai ban hành theo thẩm quyền và thực hiện các chính sách, hướng dẫn, quy định về phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch của địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát triển du lịch cộng đồng; xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác trong quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, luận án đề xuất bộ tiêu chí (gồm 14 tiêu chí về tính hiệu lực, hiệu quả, phù hợp và bền vững) để đánh giá đo lường kết quả thực hiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng, làm cơ sở cho việc đánh giá hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu góp phần hoàn thiện phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về phát triển du lịch, phát triển du lịch cộng đồng trên góc độ quản lý nhà nước của địa phương cấp tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng sẽ hỗ trợ cho việc đánh giá các kết quả quản lý nhà nước được sát thực, rõ ràng và cụ thể hơn.

– Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn:

Từ những kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương trong nước và trên thế giới, luận án đã rút ra các bài học có giá trị, có thể vận dụng cho các tỉnh của Việt Nam nói chung và một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam nói riêng.

Bằng việc sử dụng các dữ liệu thứ cấp và các dữ liệu sơ cấp có được nhờ kết quả điều tra xã hội học và kết quả xác định các tiêu chí làm minh chứng cho các nhận định, luận án đã phản ánh được khái quát thực tế phát triển du lịch cộng đồng, những thành công và những vấn đề tồn tại cũng như nguyên nhân của những tồn tại và những yếu tố đóng góp vào thành công, đem lại sự hài lòng cho khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư của quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của luận án cũng góp phần xác lập cơ sở khoa học và là tài liệu tham khảo cho việc hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển du lịch cộng đồng trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chung của các tỉnh vùng Tây Bắc.

– Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp:

Luận án trình bày những quan điểm, một số định hướng và giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc. Những định hướng và giải pháp này được đề xuất phù hợp với lý luận về quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng, thực tế quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc và kinh nghiệm trong quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng trong nước và quốc tế.

Những quan điểm về hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng được đề xuất đến năm 2030, nhấn mạnh hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng: phải gắn với đổi mới về nhận thức, tư duy về vai trò và những đóng góp của du lịch cộng đồng trong phát triển du lịch ở địa phương; để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển bền vững du lịch cộng đồng, giúp nâng cao đời sống, giảm nghèo và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung; để nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng trong bối cảnh du lịch Việt Nam đã được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và những tác động hiện tại, tương lai của các mạng công nghiệp 4.0; và trên cơ sở tham khảo, vận dụng phù hợp các kinh nghiệm trong quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương trong nước và ngoài nước.

Những định hướng và một số giải pháp được đề xuất liên quan đến hoàn thiện các đề án liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng gắn với đổi mới về nội dung và biện pháp triển khai; hoàn thiện các chính sách, cụ thể hóa các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục hoàn thiện, củng cố bộ máy quản lý nhà nước về du lịch của địa phương, tăng cường cung cấp thông tin và đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng; và nâng cao hiệu quả hợp tác về quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam. Các giải pháp này cần được thực hiện một cách đồng bộ, trong đó bao gồm một số giải pháp chung cho một số tỉnh vùng Tây Bắc và các giải pháp riêng cho từng tỉnh, phù hợp với các điều kiện hiện hành của các tỉnh và cần được thực hiện theo các giai đoạn một cách phù hợp./.

fwdlunntinscanghincusinhtrnthuphng