Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Vũ Thị Thanh Bình

12/02/2020
1. Tên đề tài luận án: Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội
2. Chuyên ngành: Kế toán
3. Mã số: 9340301
4. Họ tên NCS: Vũ Thị Thanh Bình
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS.TS Đỗ Minh Thành
Hướng dẫn 2: PGS.TS Đàm Gia Mạnh

6. Những đóng góp mới của luận án: 
- Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Luận án đã góp phần phát triển khung lý luận cơ bản về chất lượng hệ thống thông tin kế toán và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở hệ thống hóa khung lý thuyết về chất lượng hệ thống thông tin kế toán, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán, luận án đã phát triển khái niệm về hệ thống thông tin kế toán, chất lượng hệ thông tin kế toán, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT. Trong đó, chất lượng HTTTKT được đo lường kết hợp bởi 2 tiêu chí về chất lượng hệ thống chất lượng thông tin. Mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT được xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết dự phòng bao gồm 5 yếu tố: (1) Môi trường kinh doanh, (2) cấu trúc doanh nghiệp, (3) công nghệ thông tin, (4) Sự tham gia của nhà quản trị trong thực hiện HTTTKT, (5) Đội ngũ kế toán.
- Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Thứ nhất, thông qua khảo sát ý kiến của các đối tượng liên quan, đề tài cung cấp bức tranh về thực trạng chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể về chất lượng HTTTKT được xem xét chi tiết dựa trên khía cạnh chất lượng hệ thống chất lượng thông tin cho thấy đánh giá của các đối tượng liên quan đến HTTTKT bên trong doanh nghiệp đánh là chưa thực sự xuất sắc. Ngoài ra, chất lượng HTTTKT có những khác biệt theo quy mô và lĩnh vực kinh doanh. Chất lượng hệ thống của các doanh nghiệp quy mô vừa được đánh giá cao hơn các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Hay lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đánh giá chất lượng hệ thống cao hơn lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Trong khi đó, xét theo khía cạnh chất lượng thông tin, các đối tượng khảo sát trong các doanh nghiệp quy mô vừa hay doanh nghiệp thương mại - dịch vụ lại đánh giá cao chất lượng thông tin hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hay doanh nghiệp công nghiệp – xây dựng.
Thứ hai, thông qua nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn ý kiến chuyên gia, đại diện doanh nghiêp, nghiên cứu đã lựa chọn các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT phù hợp với bối cảnh các DNNVV tại Việt Nam. Tiếp đến, đề tài cung cấp bằng chứng thực nghiệm, kết quả các yếu tố có tác động đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán trong các DNNVV tại địa bàn thành phố Hà Nội. Dựa trên phân tích các bằng chứng thực nghiệm, nghiên cứu cho thấy rằng 5 yếu tố trong mô hình nghiên cứu đều có tác động đến chất lượng HTTTKT. Đáng chú ý, yếu tố công nghệ thông tin và yếu tố sự tham gia của nhà quản trị vào quá trình thực hiện HTTTKT có ảnh hưởng mạnh nhất đến chất lượng của HTTTKT tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, yếu tố công nghệ thông tin ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng hệ thống, hay chính là chất lượng của quá trình xử lý thông tin, trong khi, yếu tố sự tham gia của nhà quản trị vào thực hiện HTTTKT lại tác động nhiều nhất đến chất lượng thông tin.
 - Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
Trên cơ sở nghiên cứu tầm quan trọng của các DNNVV và những định hướng phát triển DNNVV tại Việt Nam cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội, nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị. Luận án đã dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu để đưa ra các khuyến nghị. Các khuyến nghị giải pháp thông qua tác động vào các yếu tố nhằm giúp cải thiện chất lượng hệ thống thông tin kế toán. Thứ nhất, các giải pháp về phía DNNVV gồm: (1) Đầu tư xứng đáng cho công nghệ thông tin, (2) Gia tăng sự tham gia của nhà quản trị trong quá trình thực hiện hệ thống thông tin kế toán, (3) Cần linh hoạt tìm hiểu xu thế về môi trường kinh doanh, (4) Thực hiện phân quyền hiệu quả trong bộ máy quản lý của DNNVV, (5) Nâng cao năng lực đội ngũ kế toán và sự gắn bó với doanh nghiệp. Thứ hai, nghiên cứu cũng có những khuyến nghị về phía cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp cần có những biện pháp hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp.
Toàn văn luận án