Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Bùi Thị Thu Hà

12/07/2021
  1. Tên đề luận án tiến sĩ: Nghiên cứu đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam”
  2. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
  3. Họ tên NCS: Bùi Thị Thu Hà
  4. Mã số: 934.01.01
  5. Họ tên người hướng dẫn NCS:

Hướng dẫn 1: PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn

Hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Duy Phúc

  1. Những đóng góp mới của luận án

6.1. Về học thuật, lý luận

  • Hệ thống và xác lập khung lý luận về đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp (bao gồm: Khái niệm; Nội dung, kênh trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến; Nội dung, quy trình thương lượng tập thể). Đồng thời phát triển hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến (05 tiêu chí), tiêu chí đánh giá kết quả thương lượng tập thể (04 tiêu chí).
  • Nhận diện và xây dựng mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố đến đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp với 01 biến phụ thuộc (đối thoại xã hội tại doanh nghiệp), 04 biến độc lập (pháp luật lao động quốc gia, năng lực cơ quan quản lý nhà nước về lao động, năng lực chủ thể quan hệ lao động và văn hóa doanh nghiệp). Điểm mới ở đây là đã đề xuất đưa vào mô hình nghiên cứu 01 biến kiểm soát là thỏa ước lao động tập thể ngành nhằm kiểm tra khác biệt trong kết quả thực hiện đối thoại xã hội giữa 02 nhóm doanh nghiệp đã tham gia và chưa tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành. Theo đó, 05 giả thuyết nghiên cứu (từ H1 – H5) được thiết lập.

6.2. Về thực tiễn

–  Phân tích thực trạng đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam trên các phương diện. Đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến kết quả thực hiện đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam và xác lập được phương trình hồi quy tuyến tính biểu diễn mối quan hệ giữa các biến là: dtdn = 0,411.nlct + 0,336.vhdn + 0,245.qlnn + 0,164.pl + 0,129.tuttn. Phát hiện mới của luận án là đã chỉ ra rằng việc tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may có ảnh hưởng đến chất lượng đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam (theo hướng tốt hơn khi tham gia).

–  Đánh giá những thành công và hạn chế trong đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam, trong đó hạn chế gồm: (i) Về trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến: Nội dung trao đổi thông tin về lương và các thỏa thuận ký kết giữa các chủ thể chưa rõ ràng. Kênh trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến chủ yếu là giao tiếp với cán bộ quản lý trực tiếp tại xưởng, các kênh gián tiếp sử dụng chưa hiệu quả. Hầu hết người lao động còn thờ ơ, bàng quan trong phản hồi thông tin và đóng góp ý kiến cho doanh nghiệp. Người sử dụng lao động cũng chưa chú trọng sử dụng ý kiến tham khảo vào các quyết định quản lý; (ii) Về thương lượng tập thể: Thương lượng tập thể diễn ra hình thức. Tiền lương và những quy định đối với lao động nữ chưa được chú trọng thảo luận. Thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp may chưa có nhiều điều khoản mang lại lợi ích cho người lao động và còn lơ là trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thỏa ước. Bên cạnh những hạn chế chung đó, với các doanh nghiệp may chưa tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may còn tồn tại những hạn chế là: Người sử dụng lao động chưa quan tâm truyền đạt thông tin, tham khảo ý kiến cũng như tiếp nhận và xử lý kịp thời các vướng mắc của người lao động. Đặc biệt còn chưa nghiêm túc trong việc công khai, phổ biến kết quả thương lượng tập thể và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời luận án cũng đã chỉ ra 05 nguyên nhân của những hạn chế đó.

6.3. Về giải pháp và kiến nghị

Từ nền tảng cơ sở lý luận, kết quả phân tích thực trạng, định hướng phát triển, bài học kinh nghiệm và quan điểm của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp, luận án đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị cụ thể là:

  • Phân tích 03 xu hướng đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam và xây dựng 04 quan điểm thúc đẩy đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam.
  • Đề xuất 04 nhóm giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn đối với các doanh nghiệp may ở Việt Nam bao gồm: (i) Cải thiện trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến; (ii) Nâng cao chất lượng thương lượng tập thể tại các doanh nghiệp may; (iii) Nâng cao năng lực chủ thể quan hệ lao động tạo nền móng vững chắc cho đối thoại xã hội; (iv) Xây dựng và phát triển văn hóa đối thoại tại các doanh nghiệp may tạo chất xúc tác cho thực hiện đối thoại xã hội hiệu quả. Trong đó, mỗi nhóm giải pháp được triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể cho các doanh nghiệp may và cho nhóm doanh nghiệp chưa tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam.

Ngoài ra đề xuất 03 kiến nghị cải thiện điều kiện vĩ mô và ngành (các tổ chức đại diện) nhằm thúc đẩy đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam là: (i) Hoàn chỉnh khung pháp lý của Việt Nam tạo điều kiện thúc đẩy đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may; (ii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đối thoại xã hội trong quan hệ lao động; (iii) Khuyến khích các doanh nghiệp may tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam.

LATS.Bùi Thị Thu Hà.Khóa 30AQTKD