Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Đặng Thanh Bình
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên đề tài luận án: Phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Ninh
2. Chuyên ngành: Quản lý Kinh tế
3. Mã số: 931.01.10
4. Họ và tên nghiên cứu sinh: Đặng Thanh Bình Mã NCS:
5. Họ và tên người hướng dẫn nghiên cứu sinh:
Hướng dẫn 1: : PGS.TS Bùi Xuân Nhàn
Hướng dẫn 2: TS Nguyễn Thị Thu Hiền
6. Những đóng góp mới của luận án:
6.1 Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Luận án đã góp phần hệ thống hóa và làm rõ hơn một số vấn đề về phát triển công nghiệp bền vững trên địa bàn cấp tỉnh, cụ thể:
- Đã phân tích, làm rõ một số khái niệm có liên quan đến đề tài luận án và thông qua nghiên cứu các lý thuyết chung về phát triển công nghiệp như: Lý thuyết về bốn giai đoạn phát triển của cách mạng công nghiệp; lý thuyết về xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp; lý thuyết về phát triển công nghiệp theo lợi thế so sánh; lý thuyết về cạnh tranh và lý thuyết về vòng đời sản phẩm quốc tế và đối chiếu với yêu cầu thực tiễn của môt địa phương cấp tỉnh như tỉnh Quảng Ninh cho thấy để phát triển công nghiệp bền vững cần vận dụng tổng hợp các lý thuyết trên trong xây dựng, lựa chọn chiến lược và các chính sách phát triển công nghiệp của địa phương cấp tỉnh nhằm tận dụng lợi thế so sánh của tỉnh và áp dụng thành tựu tiến bộ kỹ thuật của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển công nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh.
- Với các tiếp cận của chuyên ngành Quản lý kinh tế theo lĩnh vực hoạt động, luận án đã chỉ ra để phát triển công nghiệp bền vững của địa phương cấp tỉnh gồm: Bền vững về kinh tế; bền vững về văn hóa- xã hội và bền vững về môi trường, đồng thời kết hợp với quản lý theo chức năng trong mỗi lĩnh vực trên (hoạch định, tổ chức, điều hành và kiểm soát). Với cách tiếp cận của luận án cho phép xem xét được khá toàn diện, đầy đủ, đồng bộ một cách hệ thống gồm 10 nội dung phát triển công nghiệp bền vững của địa phương cấp tỉnh theo các trụ cột phát triển gồm: Phát triển công nghiệp bền vững về kinh tế, về văn hóa xã hội và về môi trường.
- Đã phân tích, xác định hai nhóm nhân tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp bền vững ở một địa phương cấp tỉnh gồm: Nhóm các nhân tố chủ quan của tỉnh; nhóm các nhân tố khách quan của nền kinh tế quốc dân và môi trường quốc tế. Đồng thời đã xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá phát triển công nghiệp bền vững ở một tỉnh gồm 3 nhóm tiêu chí với các chỉ số cụ thể cho từng tiêu chí gồm: (1). Tiêu chí đánh giá tăng trưởng công nghiệp bền vững về kinh tế; (2). Tiêu chí đánh giá tăng trưởng công nghiệp bền vững về văn hóa- xã hội; (3). Tiêu chí đánh giá tăng trưởng công nghiệp bền vững về môi trường.
6.2 Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Bằng việc thu thập và xử lý các dữ liệu thứ cấp trong và ngoài nước và các dữ liệu sơ cấp qua khảo sát thực tế với 3 nhóm đối tượng gồm các nhà quản lý trong các doanh nghiệp công nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước có liên quan đến công nghiệp và các hộ dân gần các khu công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp..., luận án có một số đóng góp mới như sau:
- Đã lựa chọn phân tích kinh nghiệm phát triển công nghiệp bền vững trên địa bàn cấp tỉnh của 4 địa phương cấp tỉnh ở trong và ngoài nước để rút ra 7 bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho phát triển công nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh.
- Đã khái quát được toàn cảnh phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2010 đến năm 2020. Qua đó đã chỉ ra ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh có sự tăng trưởng khá về số lượng các doanh nghiệp công nghiệp; số lao động tham gia công nghiệp; giá trị tài sản dài hạn trong các doanh nghiệp; vốn sản xuất trong công nghiệp; doanh thu và lợi nhuận …
Bằng các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp có được qua các cuộc khảo sát, luận án đã phân tích và đánh giá rõ được rõ nội hàm của phát triển công nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh từ năm 2010 đến 2020 theo 10 nội dung và hệ thống chỉ tiêu đã đề ra ở chương 1. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: Phát triển công nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020 về kinh tế ở mức tốt, về văn hóa xã hội ở mức khá và về bảo vệ môi trường ở mức trung bình khá. Luận án cũng đánh giá có cơ sở khoa học các ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân chúng trong phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020 làm cơ sở cho đề xuất các giải pháp, kiến nghị phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây có thể được coi là tài liệu tham khảo có giá trị về khoa học cho những nghiên cứu về phát triển công nghiệp bền vững tỉnh Quang Ninh và cho các nhà quản lý các cấp có liên quan đến phát triển công nghiệp của địa phương cấp tỉnh.
6.3 Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
Xuất phát từ lý luận chung về phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh, thành phố; các bài học kinh nghiệm về phát triển công nghiệp ở trong và ngoài nước; Từ đánh giá thực trạng phát trển công nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, trực tiếp là các nguyên nhân chủ quan; Từ quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển công nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh, cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu kinh nghiệm của một số địa phương cấp tỉnh trong và ngoài nước, nguyên nhân của các hạn chế trong phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh giai đoạn 2010 đến năm 2020, luận án đã đề xuất 9 nhóm giải pháp khả thi gồm: (1). Lựa chọn chiến lược phát triển công nghiệp nhằm phát huy lợi thế của tỉnh ; (2). Ban hành định hướng chính sách trong thẩm quyền và thực hiện chuyển phát triển công nghiệp từ tăng trưởng “nâu” sang “xanh”; (3). Điều chỉnh phân bố các ngành, cơ sở công nghiệp trong tỉnh nhằm phát huy lợi thế các vùng và phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; (4). Phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trên thị trường; (5). Tăng cường bảo vệ môi trường; (6). Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp bền vững; (7).Phát triển công nghiệp bền vững về văn hóa; (8). Phát triển công nghiệp bền vững về xã hội;); (9).Các giải pháp hỗ trợ nhằm phát triển công nghiệp bền vững tại tỉnh Quảng Ninh. Trong mỗi giải pháp đều luận giải rõ cơ sở khoa học, nội dung giải pháp, trình tự và các biện pháp cụ thể để thực hiện.
Luận án cũng đã đề xuất một số kiến nghị với các cơ quan liên quan nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp bền vững của các tỉnh gồm các kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành ở Trung ương.
Các giải pháp, kiến nghị trên được thực thi đồng bộ, quyết liệt sẽ đưa công nghiệp tỉnh Quảng Ninh lên bước phát triển bền vững mới.