Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Dương Hồng Hạnh
- Tên đề tài luận án: Giải pháp marketing địa phương nhằm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình
- Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
- Mã số: 9310110
- Họ tên NCS: Dương Hồng Hạnh
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS,TS. Bùi Xuân Nhàn
Hướng dẫn 2: TS. Trần Thị Bích Hằng
- Những đóng góp mới của luận án:
Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Luận án đã phân định được những khái niệm cơ bản: Marketing địa phương, phát triển du lịch, marketing địa phương nhằm phát triển du lịch.
Căn cứ vào tổng quan nghiên cứu, khoảng trống nghiên cứu được xác lập, luận án đã làm rõ liên kết nội hàm của quản lý kinh tế với marketing địa phương, xác định khung nghiên cứu về hoạt động MKTĐP nhằm PTDL gồm: Hoạch định chiến lược MKTĐP nhằm PTDL; triển khai các chính sách marketing địa phương nhằm phát triển du lịch; tổ chức thực hiện hoạt động MKTĐP nhằm PTDL của địa phương cấp tỉnh. Kết quả nghiên cứu của luận án còn giúp hệ thống hóa làm rõ thêm cơ sở lý luận về sự phân cấp quản lý, phân công thực hiện nhiệm vụ marketing địa phương nhằm phát triển du lịch và phối hợp hoạt động MKTĐP nhằm PTDL giữa các cấp chính quyền, chủ thể marketing nhằm đạt được mục tiêu tổng thể của địa phương.
Từ cơ sở lý luận, nghiên cứu dựa trên lý thuyết mega – marketing của Philip Kotler để xác định mô hình nghiên cứu tác động của các công cụ MKTĐP đến hình ảnh địa phương nhằm PTDL. Trong nghiên cứu này, các chính sách MKTĐP nhằm PTDL được thể hiện cụ thể ở các công cụ marketing. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu phản ánh mối quan hệ của MKTĐP đối với PTDL cấp tỉnh thông qua xây dựng và khuếch trương hình ảnh địa phương.
Luận án có sự kết hợp giữa kết quả phân tích định tính và định lượng, để đánh giá kết quả đạt được và rút ra những hạn chế trong hoạt động marketing địa phương nhằm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình. Luận án đưa ra một số hàm ý thực tiễn cho nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách phát triển du lịch Ninh Bình.
Những đóng góp về mặt thực tiễn
– Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số địa phương cấp tỉnh của một số địa phương trong nước (Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế) và ngoài nước (Tứ Xuyên – Trung Quốc, Kyoto – Nhật Bản), rút ra được 6 bài học kinh nghiệm về MKTĐP nhằm PTDL vận dụng cho tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
– Luận án đã phân tích thực trạng hoạt động MKTĐP nhằm PTDL của tỉnh Ninh Bình dựa trên sự kết hợp giữa hai kết quả phân tích định tính và định lượng. Từ đó rút ra được những thành công, hạn chế và nguyên nhân để làm căn cứ đề xuất các giải pháp, kiến nghị. Nghiên cứu đã kiểm định đánh giá của KDL về tác động của các công cụ marketing địa phương đến hình ảnh địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, các yếu tố gồm: Sản phẩm du lịch địa phương; Xúc tiến du lịch địa phương; Vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch; Cộng đồng doanh nghiệp du lịch; Vị trí và khả năng tiếp cận; Cộng đồng dân cư địa phương và Giá cả. Trong đó yếu tố Sản phẩm du lịch địa phương có mức độ tác động mạnh nhất đến hình ảnh địa phương. Luận án cũng khẳng định mối quan hệ thuận chiều giữa Hình ảnh địa phương và phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình.
– Đề xuất được các giải pháp với tỉnh Ninh Bình và kiến nghị Chính phủ, Bộ, Ban, Ngành giúp tăng cường hoạt động MKTĐP nhằm PTDL của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
– Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với tỉnh Ninh Bình nói riêng và các địa phương cấp tỉnh nói chung trong thời gian tới. Cụ thể:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng như một căn cứ thực tiễn để hỗ trợ công tác hoạch định chiến lược marketing địa phương, góp phần hoàn thiện chiến lược marketing du lịch của quốc gia để phát triển du lịch.
Đối với chính quyền địa phương tại tỉnh Ninh Bình: Luận án đề xuất các định hướng giải pháp giúp chính quyền địa phương hoàn thiện quản lý hoạt động marketing, liên kết và phối hợp giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động marketing của địa phương nhằm phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững.
Đối với các công ty lữ hành: Trên cơ sở giải pháp chung đối với địa phương, luận án gợi ý giúp các công ty lữ hành tổ chức thực hiện hoạt động marketing theo định hướng chung của địa phương, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch địa phương và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với cộng đồng dân cư địa phương: Luận án định hướng giúp cộng đồng dân cư địa phương hiểu rõ hơn về vai trò của hoạt động MKTĐP trong phát triển du lịch. Khi được nhận thức đầy đủ, cộng đồng dân cư địa phương sẽ có sự chủ động và phối hợp với các chủ thể khác tham gia vào hoạt động MKTĐP nhằm PTDL của tỉnh Ninh Bình.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch: Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu về quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động marketing địa phương nhằm phát triển du lịch.
Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp….
Luận án cũng đã đề xuất một số kiến nghị khác đối với Chính phủ; kiến nghị đối với Bộ, Ban, Ngành liên quan, để hoàn thiện hoạt động marketing địa phương nhằm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Từ kết quả nghiên cứu, luận án đã đề xuất các nhóm giải pháp marketing địa phương nhằm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, cụ thể:
(1) Nhóm giải pháp hoàn thiện hoạch định chiến lược marketing địa phương nhằm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình;
(2) Nhóm giải pháp hoàn thiện các chính sách marketing địa phương nhằm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình;
(3) Nhóm giải pháp hoàn thiện tổ chức thực hiện hoạt động marketing địa phương nhằm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình;
(4) Nhóm giải pháp khác