Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Nam

03/07/2023

 

THÔNG TIN TÓM TẮT

VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ

 

1. Tên đề tài luận án:

Phát triển thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội

2. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh

3. Mã số: 9340101

4. Họ tên NCS: Nguyễn Hoàng Nam                               Mã NCS: 18BD0101003

5. Họ tên người hướng dẫn NCS: 

Hướng dẫn 1: GS, TS. Nguyễn Bách Khoa

Hướng dẫn 2: TS. Trần Thị Hoàng Hà

6. Những đóng góp mới của luận án:

Với những kết quả nghiên cứu đạt được, luận án đã có một số đóng góp quan trọng cả về lý luận, thực tiễn và các giải pháp.

* Những đóng góp mới về lý luận

+ Thứ nhất, luận án đã hệ thống hóa, luận giải chi tiết có bổ sung cơ sở lý luận về phát triển thị trường của doanh nghiệp và vận dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn theo tiếp cận phát triển các nhân tố tác động trực tiếp và hiệu suất phát triển thị trường dựa trên lý thuyết quản trị kinh doanh hiện đại và marketing cung ứng giá trị thị trường. Theo đó đã xác lập khái niệm luận giải thực chất; nội hàm và tiêu chí đánh giá phát triển thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn. Qua phân tích 5 nhân tố tác động trực tiếp đã xác định các giả thuyết nghiên cứu và xây dựng mô hình nghiên cứu lý thuyết phát triển thị trường của các cơ sở sản xuất kinh daonh rau an toàn với 5 biến độc lập (mô hình và chiến lược marketing mục tiêu; các quá trình chuỗi cung ứng cốt lõi; các công cụ marketing và bán hàng hỗn hợp; các rủi ro phát triển thị trường cảm nhận; sự hài lòng, tín nhiệm, lòng trung thành khách hàng) và biến phụ thuộc hiệu suất phát triển thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn.

+ Thứ hai, lựa chọn, tiến hành nghiên cứu thực tiễn phát triển thị trường và chất lượng triển khai các nhân tố tác động trực tiếp đến hiệu suất phát triển thị trường của một số cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn ở Thái Lan, Trung Quốc, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long từ đó rút ra 6 bài học có giá trị tham khảo tốt cho các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội trong triển khai phát triển thị trường.

+ Thứ ba, trên cơ sở khái quát hóa sự phát triển của ngành kinh doanh, nhu cầu hành vi mua người tiêu dùng và mức độ hấp dẫn của thị trường rau an toàn thành phố Hà Nội, tiến hành nghiên cứu định lượng với bộ dữ liệu điều tra xã hội học và vận dụng các phương pháp kiểm định tiên tiến (được nhiều nhà khoa học chuyên ngành khuyến nghị sử dụng) đó là phân tích nhân tố khám phá EFA và hệ số tin cậy Cronbach’Alpha; phân tích nhân tố xác định CFA và kiểm định sai lệch do phương pháp; kiểm định SEM và Boostrap đã xác lập mô hình nghiên cứu và bộ thang đo thực tế phát triển thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn. Mô hình nghiên cứu thực tế gồm 6 thành phần và 41 thang đo, trong đó 35 thang đo của 5 nhân tố tác động trực tiếp (biến độc lập) và 6 thang đo của thành phần biến phụ thuộc “Hiệu suất phát triển của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: 5 giả thuyết nghiên cứu (từ H1 đến H5) được chấp nhận, nghĩa là hiệu suất phát triển thị trường của cơ sở chịu sự tác động trực tiếp của 5 biến độc lập và mô hình nghiên cứu thực tế phù hợp với môi trường, tình thế thị trường, năng lực sản xuất kinh doanh và vị thế trên thị trường rau an toàn của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn thành phố Hà Nội. Thứ hai, chất lượng, hiệu suất triển khai phát triển 35 yếu tố cấu thành là thang đo và cơ sở để đánh giá 5 nhân tố tác động trực tiếp và 6 thang đo để xác định, đánh giá hiệu suất phát triển thị trường tổng thể của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn thành phố Hà Nội. Thứ ba, mức tác động thuận chiều từ cao đến thấp của các nhân tố tác động trực tiếp là: các quá trình chuỗi cung ứng cốt lõi (β = 0,334); các công cụ marketing và bán hàng hỗn hợp (β=0,308); mô hình và chiến lược marketing mục tiêu (β=0,227); sự hài lòng, tin nhiệm, lòng trung thành khách hàng (β=0,146) và nhân tố có tác động ngược chiều là rủi ro phát triển thị trường cảm nhận (β= -0,268). Những kết quả nghiên cứu này là những phát hiện có ý nghĩa đồng thời tạo cơ sở khoa học, thực tiễn khách quan khá toàn diện cho nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển thị trường phù hợp với động thái thị trường, năng lực sản xuất kinh doanh, vị thế của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn thành phố Hà Nội.

* Những đóng góp mới về thực tiễn

+ Thứ nhất, vận dụng mô hình nghiên cứu thực tế đã xác lập tiến hành phân tích thực trang triển khai các nhân tố tác động trực tiếp và hiệu suất thực hiện mục tiêu phát triển thị trường rau an toàn điển hình của một số cơ sở sản xuất kinh danh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đó rút ra 8 nhận xét, đánh giá thực trạng. Đồng thời triển khai phân tích thống kê mô tả thực trạng phát triển thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua và hiện nay dựa trên kết quả điều tra xã hội học. Từ các kết quả phân tích đó khái quát hóa 7 kết quả và ưu điểm, 7 hạn chế và điểm yếu trong thực trạng triển khai phát triển thị trường (thực trạng là chất lượng, hiệu suất triển khai 5 nhân tố tác động trực tiếp và hiệu suất phát triển thị trường tổng thể) cũng như nhận dạng, phân tích các nguyên nhân (5 nguyên nhân khách quan, 5 nguyên nhân chủ quan).

+ Thứ hai, từ những luận cứ khoa học thực tiễn kết hợp với một số dự báo: xu thế phát triển độ hấp dẫn thị trường, khái quát sự phát triển ngành kinh doanh rau an toàn và vận dụng phân tích TOWS động kỳ vọng đến 2030 luận án nhận dạng thời cơ/đe dọa chủ yếu, xác định 4 nhóm định hướng chiến lược phát triển thị trường (SO, ST, WO, WT) và đề xuất quan điểm chung và 4 quan điểm chủ yếu phát triển đến 2030 tùy theo quy mô, năng lực, vị thế và định hướng mục tiêu phát triển thị trường của cơ sở sản xuất kinh danh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

* Những đóng góp về giải pháp

Luận án đã đề xuất 2 nhóm giải pháp quan trọng để phát triển thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm:

+ Thứ nhất nhóm giải pháp hoàn thiện các nhân tố tác động trực tiếp đến nâng cao hiệu suất phát triển thị trường tùy thuộc năng lực sản xuất kinh doanh vị thế thị trường của cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn thành phố Hà Nội và gồm 5 giải pháp: các giải pháp phát triển mô hình kinh doanh và chiến lược marketing mục tiêu; nâng cấp chất lượng thực hành các quá trình chuỗi cung ứng cốt lõi; phát triển hiệu suất các công cụ marketing và bán hàng hỗn hợp (với hộ sản xuất tập trung phát triển hiệu suất QTC; với tổ hợp sản xuất kinh doanh là QTCS; với hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại chuyên doanh phát triển mô hình SIVA dựa trên khách hàng (giải pháp khách hàng, thông tin khách hàng, giá trị khách hàng, tiếp cận khách hàng; giải pháp quản trị phòng ngừa và xử lý rủi ro phát triển thị trường; nâng cao giá trị cung ứng khách hàng, giá trị thương hiệu sản phẩm và các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

+ Thứ hai, nhóm giải pháp căn cơ để tạo môi trường, điều kiện phát triển thị trường và nâng cao năng lực quản trị kinh doanh và marketing của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 5 giải pháp: phát triển chính sách thể chế quản lý nhà nước trung ường và thành phố Hà Nội; phát triển các mô hình và ngành kinh doanh, chuỗi cung ứng rau an toàn; phát triển vai trò thực tế hỗ trợ của bên thứ 3 trong chuỗi cung ứng; nâng cấp năng lực quản trị kinh doanh và marketing của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội; phát triển các chương trình khuyến nông, xúc tiến thương mại, đào tạo bồi dưỡng và truyền thông tiêu dùng bền vững rau an toàn. Hai nhóm giải pháp và các giải pháp cụ thể được đề xuất dựa trên cơ sở lý luận và những bài học kinh nghiệm thực tiễn; từ những phân tích, đánh giá phát hiện qua nghiên cứu điển hình và phân tích thống kê mô tả thực trạng phát triển thị trường của các các cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì vậy có tính hệ thống khả thi nhằm vừa nâng cấp chất lượng, hiệu suất triển khai phát triển các yếu tố, quá trình của các nhân tố tác động trực tiếp và hiệu suất phát triển thị trường tổng thể, vừa tập trung giải quyết các yếu tố ảnh hưởng sự phát triển ngành kinh doanh, nhu cầu hành vi người tiêu dùng và mức hấp dẫn thị trường rau an toàn.