Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Loan
- Tên đề tài luận án: Nghiên cứu ảnh hưởng của công bố thông tin tự nguyện đến giá trị doanh nghiệp tại các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Chuyên ngành: Kế toán
- Mã số: 934.03.01
- Họ tên NCS: Nguyễn Thị Thanh Loan
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS. TS. Đào Thị Thu Giang
Hướng dẫn 2: TS. Tạ Quang Bình
- Những đóng góp mới của luận án:
– Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Thứ nhất, Luận án là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam hệ thống lại đầy đủ lý thuyết về CBTT tự nguyện, giá trị doanh nghiệp và ảnh hưởng của CBTT tự nguyện đến giá trị doanh nghiệp.
Thứ hai, Luận án đã xây dựng lại danh mục CBTT tự nguyện mới, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế, quy định pháp lý… trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, Luận án là một trong những nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam ước tính chi phí vốn chủ sở hữu ngầm định dựa trên dự báo KQKD của nhà phân tích.
– Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Thứ nhất, dựa trên danh mục CBTT tự nguyện đã xây dựng, luận án đã nghiên cứu thực trạng CBTT tự nguyện của các CTPTC niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Thứ hai, Luận án đã cung cấp thêm bằng chứng chứng minh lợi ích kinh tế của việc CBTT tự nguyện tới giá trị thị trường và giá trị nội tại của doanh nghiệp.
– Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp:
Nghiên cứu đưa ra hai nhóm khuyến nghị và giải pháp: Khuyến nghị và giải pháp đối với các công ty phi tài chính niêm yết nói riêng và công ty đại chúng nói chung và khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể như sau:
+ Các khuyến nghị và giải pháp đối với các công ty phi tài chính niêm yết nói riêng và công ty đại chúng nói chung
Thứ nhất, cần phải thay đổi nhận thức của các nhà quản lý về CBTT tự nguyện nói riêng và CBTT nói chung.
Thứ hai, khi thực hiện công bố thông tin ra công chúng, doanh nghiệp nên tham khảo các báo cáo tương đương của các doanh nghiệp cùng ngành hoặc tham khảo các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn, chuẩn mực về CBTT sẵn có, liên quan ở trong nước và quốc tế.
Thứ ba, các doanh nghiệp nên chú trọng đến việc cung cấp thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như lập BCTC theo chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) và lập BCTN song ngữ.
Thứ tư, để nâng cao chất lượng CBTT tự nguyện trong BCTN, các CTPTC niêm yết Việt Nam cần phải cải tiến báo cáo này ở nhiều điểm cụ thể. Ví dụ như, đối với thông tin mang tính tương lai, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn tới việc diễn giải bối cảnh của dự báo, các giả định của dự báo và việc diễn giải các dự báo.
Thứ năm, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu, cập nhật các xu hướng lập báo cáo trên thế giới.
+ Khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước nên khuyến khích các nghiên cứu chỉ ra lợi ích của việc CBTT tự nguyện tại Việt Nam.
Thứ hai, nên công khai điểm CBTT của từng doanh nghiệp tham gia cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết Việt Nam hàng năm.
Thứ ba, cần nghiên cứu, thành lập một cơ quan quản lý chuyên trách có nhiệm vụ đưa ra các hướng dẫn về việc công bố thông tin tự nguyện cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, bên cạnh việc tự đưa ra hướng dẫn về CBTT tự nguyện, các cơ quan quản lý Việt Nam nên có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện các thông lệ, hướng dẫn, chuẩn mực quốc tế và khu vực về công bố thông tin.
Thứ năm, các cơ quan quản lý Việt Nam cần xây dựng và xiết chặt hơn nữa việc thực hiện các chế tài xử phạt khi doanh nghiệp công bố thông tin không trung thực nhằm đạt được các lợi ích cá nhân.