Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hà
- Tên đề tài luận án tiến sĩ: “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị tri thức tại một số trường đại học công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội”
- Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh
- Họ tên NCS: Nguyễn Thị Thu Hà
Mã NCS: 16A D0102 002
- Mã số: 9340101
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS, TS. Nguyễn Văn Minh
Hướng dẫn 2: PGS, TS. Đỗ Thị Ngọc
- Những đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, trên cơ sở hệ thống hóa khung lý luận cơ bản về QTTT, luận án đã phát triển khái niệm về QTTT trong trường đại học (ĐH); trường ĐH công lập (ĐHCL) và kết quả hoạt động (KQHĐ) của trường ĐH.
Thứ hai, luận án đã xây dựng được một mô hình nghiên cứu tích hợp về các nhân tố ảnh hưởng đến QTTT và tác động của QTTT tới KQHĐ có thể áp dụng phù hợp với điều kiện và bối cảnh của các trường ĐHCL ở Việt Nam. Trong đó, QTTT được đo lường kết hợp bởi ba quá trình chính: tiếp nhận, sáng tạo tri thức; chia sẻ tri thức; lưu trữ và áp dụng tri thức.
Thứ ba, luận án đã xác định được 3 nhóm nhân tố chính có tác động đến QTTT tại các trường ĐHCL Việt Nam, bao gồm: nhóm nhân tố thuộc về tổ chức (lãnh đạo, văn hóa tổ chức, chế độ khen thưởng); nhóm nhân tố thuộc về cá nhân (sự tự tin vào năng lực bản thân; sự sẵn sàng trải nghiệm những thay đổi) và nhóm nhân tố thuộc về công nghệ (sự hỗ trợ của công nghệ thông tin). Các nhân tố này sẽ là nền tảng để cho các nghiên cứu về sau mở rộng thêm các nhân mới có ảnh hưởng đến QTTT trong tổ chức nói chung và trong trường ĐH nói riêng.
6.2. Về thực tiễn
Thứ nhất, thông qua nghiên cứu định tính (nghiên cứu tình huống và phỏng vấn sâu) tại một số trường ĐHCL, luận án đã cung cấp một bức tranh về thực trạng QTTT tại các trường ĐHCL trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cụ thể, những kết quả đạt được thể hiện ở những khía cạnh sau: (1) quá trình tiếp nhận và sáng tạo tri thức được đẩy mạnh thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đi thực tiễn ở doanh nghiệp, v.v.; (2) quá trình chia sẻ tri thức được thực hiện thông qua làm việc chuyên môn theo nhóm, bộ môn, khoa, đơn vị, tham gia các diễn đàn trao đổi học thuật như hội nghị, hội thảo, buổi nói chuyện được tổ chức trong và ngoài nước, v.v.; (3) quá trình lưu trữ và áp dụng tri thức: tri thức hiện chủ yếu được lữu trữ ở thư viện, các kho tư liệu hoặc được lưu trữ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin như thư viện điện tử, website, mạng nội bộ, mạng xã hội của trường. Quá trình áp dụng tri thức được đẩy mạnh thông qua việc viên chức cùng nhau tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo mới hoặc cùng viết bài đăng tạp chí trong và ngoài nước, cùng biên soạn sách, cùng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc triển khai QTTT tại trường ĐHCL vẫn còn gặp một số khó khăn như: hạn chế về thời gian và kinh phí đầu tư cho quá trình tiếp nhận, sáng tạo và lưu trữ tri thức; nhiều viên chức chưa sẵn sàng chia sẻ tri thức, đặc biệt là tri thức ẩn; các hình thức chia sẻ tri thức chưa đa dạng; chưa có các nhóm QTTT, v.v.
Thứ hai, trên cơ sở dữ liệu thực tế thu thập được qua phiếu điều tra, luận án đã tiến hành kiểm định, phân tích và đánh giá tác động của từng nhân tố đến QTTT tại một số trường ĐHCL trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy 5 trong 6 nhân tố trong mô hình nghiên cứu có tác động đến QTTT. Đáng chú ý, mức độ tác động của các nhân tố thuộc về tổ chức đến QTTT mạnh hơn so với các nhân tố thuộc về công nghệ thông tin và cá nhân. Trong đó văn hóa tố chức có ảnh hưởng mạnh nhất đến QTTT, tiếp theo là lãnh đạo, chế độ khen thưởng, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, và sự tự tin vào năng lực bản thân.
Thứ ba, kết quả nghiên cứu khẳng định trong QTTT thì quá trình chia sẻ tri thức đóng vai trò quan trọng hơn cả và QTTT có tác động mạnh đến KQHĐ của trường ĐH.
6.3. Về giải pháp
Trên cơ sở những luận cứ lý luận và thực tiễn về QTTT, các nhân tố ảnh hưởng đến QTTT tại một số trường ĐHCL trên địa bàn Thành phố Hà Nội, cùng với những dự báo về xu hướng triển khai QTTT tại các trường ĐH Việt Nam, luận án đã đề xuất một số giải pháp về phía các trường ĐHCL thông qua tác động vào các nhân tố thuộc về tổ chức, cá nhân và công nghệ thông tin nhằm tăng cường QTTT trong tổ chức, cụ thể:
(1) Hoàn thiện văn hóa tổ chức thông qua tạo dựng và phát triển một môi trường làm việc mà ở đó các hoạt động QTTT như sáng tạo, chia sẻ và lưu trữ, áp dụng tri thức được diễn ra một cách cởi mở và tin tưởng. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu giữa các viên chức trong trường nên được tăng cường để thúc đẩy quá trình chia sẻ tri thức. Hình thức cộng đồng học tập cần được hình thành và phát triển trong trường ĐH để tạo ra văn hóa chia sẻ tri thức trong tổ chức.
(2) Tăng cường vai trò của lãnh đạo thông qua xây dựng tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch về QTTT cũng như thể hiện sự cam kết và ủng hộ của lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao đối với các dự án QTTT. Đáng chú ý, việc xây dựng quy trình triển khai các dự án QTTT trong trường ĐH sẽ giúp viên chức trực tiếp tham gia và nhận thức rõ hơn về tầm nhìn, chiến lược QTTT của nhà trường cũng như sự sự ủng hộ và cam kết của lãnh đạo nhà trường đối với các hoạt động QTTT trong tổ chức.
(3) Hoàn thiện chính sách khen thưởng thông qua xây dựng các hình thức khuyến khích đa dạng, không chỉ bằng việc khen thưởng là tài chính, mà còn là sự ghi nhận hoặc có thể bổ sung thêm việc tích lũy điểm đánh giá cuối năm học trong các hoạt động QTTT, với một mức điểm cao sẽ có những hình thức khen thưởng về vật chất riêng.
(4) Tăng cường công nghệ thông tin thông qua ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận, lưu trữ tri thức và tạo mạng lưới chia sẻ tri thức trong mỗi trường ĐH và giữa các trường ĐH , đặc biệt là các trường ĐH cùng khối ngành.
(5) Thúc đẩy sự tự tin vào năng lực bản thân thông qua sự hỗ trợ, chia sẻ tri thức của viên chức có kinh nghiệm đối với viên chức trẻ mới vào nghề; sự ghi nhận hay khen ngợi từ lãnh đạo; các khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên môn; và sự tự giác, chủ động nâng cao trình độ của mỗi viên chức.Ngoài ra để bảo đảm tính khả thi, luận án đã đề xuất một số khuyến nghị đối với Nhà nước, Bộ, Ngành về các biện pháp, chính sách hỗ trợ các trường ĐHCL nhằm tăng cường QTTT, đề từ đó nâng cao kết quả hoạt động.
Toàn văn luận án NCS Nguyễn Thị Thu Hà