Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hằng

25/05/2020

1. Tên đề tài luận án: Quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
3. Mã số: 934.04.10
4. Họ tên NCS: Nguyễn Thị Thu Hằng
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS.TS Nguyễn Thị Phương Liên
Hướng dẫn 2: PGS.TS Lê Hoàng Nga
6. Những đóng góp mới của luận án:

– Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Luận án xác lập khung lý thuyết về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần dưới góc độ tiếp cận của chuyên ngành quản lý kinh tế. Luận án làm rõ những điểm khác biệt về nội dung, chủ thể quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần, cụ thể hóa 2 nhóm tiêu chí đánh giá và 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với một lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, đó là huy động vốn qua phát hành chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần.
– Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng về thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, tác giả luận án đã rút ra kết luận: có 4 hạn chế, 13 nguyên nhân thuộc 3 nhóm. Trong đó các hạn chế xếp theo thứ tự từ cao đến thấp là: Khung pháp lý; Mô hình tổ chức và cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý; Tình hình triển khai các hoạt động quản lý nhà nước; Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Các nguyên nhân tác động được xếp theo thứ tự mức độ tác động từ cao đến thấp là:
Các nguyên nhân thuộc về chủ thể quản lý: Năng lực nhận thức và quản lý của các cơ quan QLNN chưa đáp ứng tình hình thực tế; Các cơ quan QLNN đảm nhiệm nhiều vai trò nên khả năng hoàn thành trách nhiệm cao là rất khó; Thủ tục hành chính pháp lý của các cơ quan QLNN vẫn còn rườm ra, phức tạp; Tinh thần, thái độ và khả năng thực hiện công việc của đội ngũ cán bộ của các cơ quan QLNN chưa cao; Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động QLNN chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các nguyên nhân thuộc về chủ thể bị quản lý – ngân hàng thương mại cổ phần: Mức độ hiểu biết về luật pháp liên quan đến hoạt động PHCK còn thấp; Ý thức tuân thủ pháp luật của ngân hàng chưa cao; Hiệu quả quản trị ngân hàng còn kém; Mức độ phát triển của ngân hàng thấp hơn các nước trong khu vực và Thế giới.
Các nguyên nhân tác động thuộc về môi trường quản lý: Các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán, chưa tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; Môi trường pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện và ổn định; Thị trường PHCK phát triển một cách nhanh chóng, các cơ quan QLNN chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý TTCK, thường ở thế bị động; Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra nhanh chóng và sâu rộng làm cho TTCK chưa kịp thay đổi theo.
– Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
Trên cơ sở lý luận, kinh nghiệm quản lý nhà nước của một số quốc gia, kết luận rút ra từ phân tích, đánh giá thực tiễn và những quan điểm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, tác giả luận án đã đề xuất 4 giải pháp chính, đó là: Hoàn thiện khung pháp lý; Hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức quản lý; Hoàn thiện các hoạt động quản lý; Tăng cường sự phối kết hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với huy động vốn qua phát hành chứng khoán của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam: Đối với Quốc hội, Chính phủ; Đối với Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước và các cơ quan ngang bộ; Đối với Ngân hàng nhà nước; Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.


File đính kèm
Tập tin : Download