Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Tú Quyên
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên đề tài luận án: Quản trị nhân lực xanh tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội
2. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
3. Mã số: 9340101
4. Họ tên NCS: Nguyễn Thị Tú Quyên Mã NCS: 20BD0101005
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Loan
Hướng dẫn 2: TS. Hoàng Thị Lan
6. Những đóng góp mới của luận án:
Luận án có những đóng góp mới cả về lý luận và thực tiễn. Cụ thể:
(i) Xuất phát từ tổng quan tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, NCS đã phát triển một bước khung lý luận cơ bản về QTNLX tại khách sạn. Trên cơ sở tiếp cận QTNLX là sự tích hợp của quản lý môi trường vào QTNL và tiếp cận phát triển bền vững, NCS đã xác lập khái niệm QTNLX tại khách sạn và lý giải sự cần thiết của QTNLX tại khách sạn trên các góc độ đóng góp vào thực thi chiến lược kinh doanh phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết quả tài chính của khách sạn, thúc đẩy đổi mới xanh, hiệu quả môi trường và tạo dựng bầu không khí làm việc lành mạnh, văn hoá xanh của khách sạn. Các nội dung chính của QTNLX và biểu hiện của thực hành tuyển dụng nhân lực xanh, đào tạo nhân lực xanh, đánh giá nhân lực xanh, đãi ngộ nhân lực xanh tại khách sạn đã NCS được tổng hợp, đề xuất. Luận án đã nhận diện các yếu tố chủ yếu (quy định của pháp luật; các bên liên quan; tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của khách sạn; ban lãnh đạo khách sạn và văn hoá doanh nghiệp) ảnh hưởng đến QTNLX tại khách sạn;
(ii) Dựa trên sự kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước có chọn lọc và điều chỉnh của NCS, luận án đã xây dựng được mô hình nghiên cứu về QTNLX thông qua bốn nội dung của QTNLX đó là tuyển dụng nhân lực xanh, đào tạo nhân lực xanh, đánh giá nhân lực xanh, đãi ngộ nhân lực xanh và thiết lập các giả thuyết, lựa chọn biến, thang đo của các quan sát. Mô hình nghiên cứu được thiết lập gồm 6 biến với 27 quan sát, 9 giả thuyết nghiên cứu để xem xét, đánh giá đồng thời tác động của cả bốn nội dung này tới đổi mới xanh và hiệu quả môi trường của khách sạn. Thông qua kết quả nghiên cứu định tính, định lượng, độ tin cậy của bộ thang đo đã được kiểm chứng.
(iii) Phân tích thực trạng QTNLX tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội, nghiên cứu điển hình tại các khách sạn 3 - 5 sao trên địa bàn thành phố Hà Nội về các nội dung tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, đãi ngộ nhân lực xanh để từ đó rút ra kết luận về những thành công, hạn chế và nguyên nhân của các thành công, hạn chế này.
(iv) Kiểm định mô hình với 9 giả thuyết nghiên cứu về mối quan hệ giữa các nội dung của QTNLX, đổi mới xanh và hiệu quả môi trường tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội, nghiên cứu tại các khách sạn 3 - 5 sao. Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu đã khẳng định được ảnh hưởng tích cực của QTNLX với các nội dung tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, đãi ngộ nhân lực xanh đến đổi mới xanh và hiệu quả môi trường tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội để từ đó có cơ sở đưa ra giải pháp, kiến nghị thúc đẩy QTNLX tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm tăng cường đổi mới xanh gia tăng được hiệu quả môi trường tại các khách sạn này;
(v) Trên cơ sở nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch xanh ở nước ta đến năm 2030 và bối cảnh phát triển các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội, NCS đã đề xuất được các quan điểm, các giải pháp chủ yếu để thúc đẩy QTNLX tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là các giải pháp về đổi mới tuyển dụng nhân lực xanh, tăng cường đào tạo nhân lực xanh, cải tiến đánh giá nhân lực xanh, đầu tư đãi ngộ nhân lực xanh, nâng cao nhận thức của ban lãnh đạo và người lao động khách sạn về QTNLX, điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng thúc đẩy QTNLX, phát triển văn hoá khách sạn gắn với giá trị QTNLX. Ngoài ra, kiến nghị với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội khách sạn, khách hàng… cũng được NCS đưa ra nhằm thúc đẩy QTNLX tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội.