Nghiên cứu sinh
Luận án của nghiên cứu sinh Phạm Thị Dự
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên đề tài luận án: Nghiên cứu tác động của thay đổi công nghệ đến chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
3. Mã số: 931.01.10
4. Họ tên NCS: Phạm Thị Dự Mã NCS: 20AD0410002
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS,TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn
Hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Thị Thu Hiền
6. Những đóng góp mới của luận án:
- Những đóng góp mới về lý luận
(i) Luận án đã làm rõ cách tiếp cận thay đổi công nghệ (TĐCN) là sự cải tiến công nghệ sản xuất để tạo ra lượng đầu ra lớn hơn với cùng một lượng đầu vào (trong khi các nghiên cứu hiện có chủ yếu tiếp cận TĐCN thông qua đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; mua sắm máy móc, thiết bị mới, bằng sáng chế). Hệ thống hóa và làm rõ các chỉ tiêu và phương pháp đo lường TĐCN, các yếu tố ảnh hưởng đến TĐCN; nội dung, chỉ tiêu và phương pháp đo lường chuyển dịch cơ cấu lao động (CCLĐ) theo ngành.
(ii) Chỉ rõ cơ chế tác động của TĐCN đến chuyển dịch CCLĐ theo ngành ngành thông qua tác động đến cầu lao động của ngành và cầu lao động thay đổi dẫn đến chuyển dịch CCLĐ của ngành. Nhận diện tác động tích cực và tiêu cực của TĐCN đến chuyển dịch CCLĐ theo ngành về quy mô và chất lượng.
(iii) Luận án sử dụng hàm cầu có điều kiện của lao động có dạng suy ra từ bài toán cực tiểu chi phí nhằm đưa ra cơ sở xây dựng mô hình tác động của TĐCN đến cầu lao động theo ngành để khắc phục vấn đề không có giá đầu ra của doanh nghiệp. Sử dụng kỹ thuật ghép dữ liệu để vận dụng mô hình hồi quy dữ liệu mảng và sử dụng biến trễ để khắc phục vấn đề nội sinh với phương pháp ước lượng là phương pháp mô men tổng quát (GMM).
- Những đóng góp mới về thực tiễn
(i) Luận án tổng hợp và đưa ra phát hiện cụ thể về tác động của TĐCN đến chuyển dịch CCLĐ ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CNCBCT) trong giai đoạn 2011 – 2022 gồm:
- Thay đổi công nghệ trong 24 ngành cấp 2 thuộc ngành CNCBCT có xu hướng tăng dần đều trong giai đoạn 2011 – 2022. Tỷ lệ chuyển dịch CCLĐ trong ngành không chỉ phụ thuộc vào tốc độ tăng lao động của ngành mà còn phụ thuộc vào tỷ trọng lao động của ngành so với tổng lao động trong toàn nền kinh tế.
- Tác động của TĐCN làm tăng cầu lao động của 24 ngành cấp 2 thuộc ngành CNCBCT ở cả 03 nhóm ngành công nghệ thấp, trung bình và cao trong ngắn hạn. Trong dài hạn, có 06/24 ngành cấp 2 tăng cầu lao động, trong nhóm ngành công nghệ cao cầu lao động có xu hướng tăng; nhóm ngành công nghệ thấp và trung bình cầu lao động có xu hướng giảm.
- Thay đổi công nghệ đóng góp nhiều nhất vào tỷ lệ chuyển dịch CCLĐ của nhóm ngành công nghệ thấp (6,75%); đóng góp ít nhất vào tỷ lệ chuyển dịch CCLĐ của nhóm ngành công nghệ trung bình (0,99%).
(ii) Dự báo tác động của TĐCN đến chuyển dịch CCLĐ ngành CNCBCT ở Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2030 theo 2 kịch bản (tăng trưởng kinh tế bình quân 6% và 6,5%) cho thấy: Số lượng việc làm trong ngành CNCBCT theo 2 kịch bản đều tiếp tục tăng, đến năm 2025 vươn lên vị trí đầu tiên (ngành có tỷ trọng lao động, việc làm lớn nhất) và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu đến năm 2030. Thay đổi công nghệ đóng góp ngày càng lớn vào chỉ số chuyển dịch CCLĐ trong ngành CNCBCT giai đoạn 2023 - 2030, với tỷ lệ 39,75% theo kịch bản 1 và 40,79% theo kịch bản 2 (giai đoạn 2011- 2021, tỷ lệ đóng góp của TĐCN là 37,58%).
(iii) Luận án đề xuất 05 giải pháp thúc đẩy TĐCN góp phần chuyển dịch CCLĐ trong ngành CNCBCT: Hoàn thiện chính sách thúc đẩy TĐCN góp phần chuyển dịch CCLĐ ngành CNCBCT (bằng cách hoàn thiện chính sách phát triển ngành, chính sách phát triển khoa học công nghệ, chính sách đầu tư, chính sách tài chính và chính sách phát triển nguồn nhân lực); Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vào ngành; Nâng cao năng lực công nghệ của ngành (chi tiết với 03 nhóm ngành theo trình độ công nghệ thấp, trung bình và cao); Nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng của người lao động trong ngành; Đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm của ngành trên nền tảng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (thông qua: đổi mới sáng tạo trong sản xuất để cải thiện chỉ số sản xuất và đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của ngành gắn với 03 nhóm ngành theo trình độ công nghệ).