Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Tăng Thị Hằng

25/01/2020
1. Tên luận án: “Phát triển chiến lược marketing cho sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng”
2. Chuyên ngành: Kinh doanh thương mại
3. Mã số: 62.34.01.21
4. Họ tên NCS: Tăng Thị Hằng
5. Họ tên người hướng dẫn khoa học:
Hướng dẫn 1: PGS. TS Phạm Thúy Hồng
Hướng dẫn 2: PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng

6. Những kết luận mới của luận án
Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Khác với các nghiên cứu trước đây xem xét chiến lược marketing cho mặt hàng hàng thủ công chủ yếu từ hoạt động marketing tác nghiệp, thông qua một hoặc vài công cụ của marketing mix. Luận án tiếp cận chiến lược marketing từ quan điểm quản trị marketing. Vì vậy, phát triển chiến lược marketing cho mặt hàng thủ công xuất khẩu có sự liên kết các yếu tố đầu vào, đầu ra với các yếu tố thuộc nội hàm chiến lược marketing nhằm tạo lập sự cân bằng và thích nghi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong điều kiện thị trường xuất khẩu có nhiều biến động chiến lược.
 Ngoài việc  phân tích, tổng hợp và rút ra một số khái niệm liên quan mật thiết đến đề tài nghiên cứu, luận án làm rõ bản chất, xác lập mô hình và phân tích nội dung phát triển chiến lược marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công cho doanh nghiệp làng nghề.  
Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Thông qua việc vận dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại và mô hình nghiên cứu phù hợp, luận án đánh giá khách quan thực trạng phát triển chiến lược marketing cho sản phẩm thủ công xuất khẩu của các doanh nghiệp làng nghề truyền thống vùng đồng bằng Sông Hồng trong những năm qua.
Một trong những điểm mới của luận án là đánh giá thực trạng phát triển chiến lược marketing xuất khẩu có sự kết hợp với các nhân tố ảnh hưởng được nghiên cứu từ mô hình hồi quy sử dụng dữ liệu phân tích nhân tố khám phá (EFA).
Luận án cũng  chỉ ra những thành công, hạn chế,  nguyên nhân của hạn chế và các vấn đề đặt ra để xác lập căn cứ thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp cho doanh nghiệp nhằm phát triển chiến lược marketing cho sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề vùng ĐBSH thời gian tới. Thành công: Thị trường xuất khẩu sản phẩm của làng nghề đã mở rộng hơn; các thị trường mục tiêu lớn vẫn được các doanh nghiệp làng nghề giữ vững và tiếp tục khai thác; Bước đầu các doanh nghiệp làng nghề đã quan tâm và có những hoạt động đầu tư nhất định cho nghiên cứu thị trường..Hạn chế: nhiều doanh nghiệp làng nghề chưa thấy được sự cần thiết phải hoạch định và triển khai chiến lược marketing xuất khẩu; việc định giá sản phẩm vẫn còn nhiều bất cập; chưa đầu tư hợp lý, chưa nỗ lực cho hoạt động quảng bá; chưa kết hợp hiệu quả các công cụ marketing mix; chưa quan tâm đến marketing quan hệ. Nguyên nhân: doanh nghiệp thiếu kiến thức trong việc làm thương mại cho sản phẩm; phần lớn doanh nghiệp làng nghề thiếu vốn hoạt động; chi phí cho nguyên liệu sản xuất ở hầu hết các mặt hàng đều tăng cao; chưa kết hợp được nguồn lực nội tại vào phát triển chiến lược marketing xuất khẩu. Vấn đề đặt ra: doanh nghiệp làng nghề phải xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của chiến lược marketing trong các chiến lược chức năng của doanh nghiệp; nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cập nhật các thông tin từ thị trường xuất khẩu; cần giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu trong hệ thống phân phối; từng bước thiết lập và vận hành hệ thống thông tin marketing trong doanh nghiệp…
Những đề xuất mới về  giải pháp
Qua nghiên cứu, tổng hợp những lý luận cơ bản nội dung phát triển chiến lược marketing xuất khẩu, kết hợp với các căn cứ thực tiễn được xác lập qua nghiên cứu thực trạng, luận án đề xuất đồng bộ 5 nhóm giải pháp mang tính định hướng cho doanh nghiệp làng nghề để phát triển lược marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống vùng ĐBSH, bao gồm: (1) Giải pháp phát triển phân tích tình thế chiến lược và xác định vấn đề trọng tâm phát triển lược marketing cho sản phẩm xuất khẩu; (2) Giải pháp phát triển lược marketing mục tiêu trên thị trường xuất khẩu; (3) Giải pháp phát triển chiến lược marketing mix cho sản phẩm xuất khẩu; (4) Giải pháp phát triển triển lược nguồn lực phục vụ cho chiến lược marketing xuất khẩu; (5) Giải pháp phát triển công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện chiến lược marketing xuất khẩu.
Bên cạnh nhóm giải pháp chủ yếu, luận án cũng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ và một vài kiến nghị với Nhà nước cùng các cơ quan chức năng để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả hơn chiến lược marketing xuất khẩu trong thời gian tới.
 Toàn văn Luận án